Có thể sử dụng kháng Histamin như một liệu pháp điều trị viêm gan c với giá rẻ hơn.
Thứ năm - 11/06/2015 11:02
Nghiên cứu được thực hiện trên các thuốc đã được FDA phê duyệt cho thấy kháng histamin có hiệu quả chống lại virus viêm gan C.
Một nghiên cứu cho thấy thuốc chống dị ứng có hiệu quả trong điều trị viêm gan C (HCV), từ đó có thể hi vọng về một vũ khí với giá rẻ hơn trong cuộc chiến chống lại virus.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào ngày 8/4/2015, thuốc kháng histamin, chlorcyclizin hydrochlorid, ngăn ngừa nhiễm HCV giai đoạn sớm, nhiều khả năng do thuốc ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào vật chủ. Bằng cách sử dụng nền tảng định lượng với số lượng lớn dựa trên tế bào, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên một số thuốc được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt , cho thấy có hiệu quả chống lại HCV. Nhóm nghiên cứu, trong đó bao gồm các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ (NIH) và Đại học Hiroshima ở Nhật Bản, cho thấy chlorcyclizine ức chế mạnh sự xâm nhiễm HCV vào các tế bào gan người và tế bào gan người nguyên thủy. Thuốc kháng histamin này ức chế đáng kể sự nhiễm HCV phân tuýt 1b, 2a mà không có độc tính đáng kể hoặc có bằng chứng kháng thuốc trong thời gian tương ứng là bốn và sáu tuần điều trị. Các nhà nghiên cứu thông báo rằng một số thuốc đã được FDA phê duyệt gồm các thuốc chống ung thư như erlotinib và dasatinib, thuốc hạ cholesterol ezetimib và thuốc chống sốt rét ferroquin có hoạt tính kháng HCV, tuy nhiên chlorcyclizin thuyết phục hơn các thuốc khác do chỉ ra được hoạt tính kháng HCV trên invitro và invivo. Do dữ liệu chỉ dựa trên mô hình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên chuột nên còn quá sớm để nói liệu chlorcyclizin có thể chữa khỏi cho các bệnh nhân nhiễm virus, theo Jake Liang, trưởng khoa các bệnh gan ở học viện nghiên cứu quốc gia về đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận ở NIH, và là tác giả chính của nghiên cứu này. Ông nói rằng chlorcyclizin có thể được sử dụng trong phác đồ kết hợp diệt HCV để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Các nhà nghiên cứu phát hiện hiệu quả kháng virus của chlorcyclizin “ hiệp đồng” với các thuốc kháng HCV khác gồm ribavirin, alpha-interferon, telaprevir, boceprevir, sofosbuvir, daclatasvir và cyclosporin A - mà lại không tạo ra độc tính tế bào nghiêm trọng, điều này chỉ ra rằng nó có thể được sử dụng trước hoặc sau cùng với phác đồ điêu trị HCV đã thiết lập. họ cũng chú ý rằng chiến lược kết hợp trong điều trị HCV mạn làm “ giảm khả năng hình thành các chủng virus đột biến kháng thuốc” Phát hiện này có khả năng sẽ là một bước đột phá quan trọng trong hành trình tìm kiếm các phương thức điều trị viêm gan virus C, ảnh hưởng đến 185 triệu người trên toàn thế giới và hiện tại không có vaccine phòng bệnh. Virus viêm gan C phổ biến đặc biệt ở châu Á và châu Phi cũng như dân số có nguy cơ nhiễm cao như những người tiêm chích ma túy, thường không bị phát hiện trong nhiều năm và có thể gây xơ gan hoặc thậm chí ung thư gan ở những bệnh nhân bị bệnh mãn tính. Trong khi peg – interferon và ribavirin là điều trị chuẩn trong nhiều năm, việc phát hiện tác nhân kháng virus trực tiếp đã làm tăng hi vọng giảm gánh nặng tài chính và y tế gây ra bởi căn bệnh này, nhưng cũng đã đặt ra câu hỏi về khả năng chi trả. Mặc dù, một vài loại thuốc mới đã chứng minh tác dụng điều trị HCV lên đến 90% trường hợp bị nhiễm bệnh. Solvadi (sofosbuvir), một trong những phương pháp điều trị mới nhất, chi phí khoảng 84.000 USD cho 12 tuần điều trị, làm cho nó không thể tiếp cận với nhiều người Nghiên cứu cho biết: "Việc đặt lại mục tiêu hoặc tái định vị chlorcyclizine trong điều trị viêm gan C có thể cung cấp một thay thế hợp lý hơn các lựa chọn tốn kém hiện nay, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực hạn chế, nơi nhiễm HCV mạn tính là đặc hữu”. Giá của Chlorcyclizine là 0,55 USD cho mỗi viên nén. Theo Liang, chlorcyclizine có thể được sử dụng ở tất cả các giai đoạn của bệnh viêm gan C của bệnh nhân, nhưng có thể đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân có bệnh đang tiến triển, những bệnh nhân đang trải qua ca cấy ghép gan. Cần chú ý là thuốc ngăn cản xâm nhập của virus vào tế bào, Liang nói thêm, "về mặt lý thuyết, thuốc này có thể ngăn ngừa tái nhiễmvirus trong phẫu thuật cấy ghép". Bởi vì chlorcyclizine được biết đến có qua hàng rào máu-não và gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, các nhà nghiên cứu cho biết cần cân nhắc khả năng thâm nhập hệ thần kinh trung ương của thuốc này trong sự phát triển của thuốc trong tương lai.
Tác giả bài viết: DS. Lý Thị Kim Dung – Bv Đại học Y Dược TP HCM.