Là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được thời gian qua?
Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh đóng chân trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), có nhiệm vụ tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện và một số xã lân cận của huyện Lệ Thủy. Trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất nhiều chỗ bị xuống cấp, trang thiết bị y tế đã được đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn nhân lực đặc biệt là những cán bộ, y bác sĩ chuyên sâu, tuy nhiên, bằng tâm huyết của những người thầy thuốc, sự quan tâm, chỉ đạo của ngành y tế tỉnh nhà, của huyện Quảng Ninh, Bệnh viện đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đã có những chuyển biến tích cực đạt và vượt kế hoạch, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới được triển khai mang lại hiệu quả cao, tạo niềm tin đối với nhân dân sống trên địa bàn.
Năm 2016, kết quả khám, chữa bệnh của Bệnh viện được thể hiện rõ nhất thông qua những số liệu cụ thể: Tổng số lần khám là 60.614 lần đạt 110,2% kế hoạch (KH); tổng số người bệnh nội trú là 8.895 đạt 111,2% KH; tổng số người bệnh ngoại trú là 1.851, đạt 92,6% KH; trung bình ngày điều trị là 6,4 ngày; công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 97%. Bệnh viện tham gia khám chữa bệnh với hơn 74.975 thẻ BHYT. Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó như: Cắt tử cung toàn phần, phẫu thuật lấy thai lần 2, kỹ thuật kết hợp xương, chẩn đoán hình ảnh số hóa, siêu âm 3D, 4D…
Mục tiêu của Bệnh viện trong năm 2017 phấn đấu đạt Bệnh viện đa khoa hạng II có quy mô 120 giường bệnh, gồm 10 khoa và 04 phòng chức năng; cải tiến chất lượng bệnh viện đạt mức 3; đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật mới và kỹ thuật vượt tuyến, bổ sung khai thác thêm các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn đạt trên 60%, quyết tâm hoàn thành đạt và vượt kế hoạch; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đầu tư thêm một số lĩnh vực chuyên khoa có trình độ chuyên môn cao và sâu; không ngừng nâng cao, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nâng cao vai trò quản lý, điều hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa – phòng, thái độ phục vụ, minh bạch về tài chính, cải thiện đời sống cán bộ.
Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ tay nghề y, bác sĩ cũng như tiêu chí “Lương y như từ mẫu” đã được bệnh viện chú trọng xây dựng như thế nào?
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển, vì con người không có máy móc nào có thể thay thế được. Tại bệnh viện, yếu tố hàng đầu về nhân lực phải là bác sĩ, vì bác sĩ chính là người đầu tiên đưa ra các quyết định quan trọng nhất về tình trạng bệnh tật của người bệnh và là người thường xuyên và cuối cùng luôn luôn trực tiếp, giám sát, điều chỉnh và trực tiếp thực hiện các quyết định này để điều trị cho người bệnh, tất nhiên cũng rất cần đội ngũ kỹ thuật viên giỏi. Chính vì vậy các cán bộ có năng lực và đủ phẩm chất được định hướng, quy hoạch và cử đi học chuyên khoa các cấp độ từ thấp đến cao, sơ bộ định hướng chuyên khoa, cấp 1, cấp 2, tiến sĩ. Qua đó phát triển sâu các chuyên khoa khi các yếu tố nhân lực và cơ sở vật chất đã đủ. Ngoài ra cán bộ viên chức trong diện quy hoạch thường xuyên được cử đi học các lớp nghiệp vụ quản lý (hành chính, xây dựng, đấu thầu, ngoại ngữ, chính trị và các nghiệp vụ khác).
Bên cạnh thực hết tốt chuyên môn, cán bộ viên chức bệnh viên cũng được trau dồi về y đưc, học tập các quy chế về ứng xử của ngành… sao cho việc thực hành nghề là sự tự nhiên, không phải ban ơn và là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý. Đặc biệt bệnh viện quán triệt không được phép có dấu hiệu, biểu hiện tiêu cực, nếu vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật rất nặng.
Ngoài công tác chăm lo sức khỏe phục vụ người dân, công tác an sinh xã hội đã được bệnh viện thực hiện như thế nào, thưa ông?
Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh cũng có thể nói là một trong những đơn vị rất tích cực trong các hoạt động xã hội, thường xuyên tham gia quỹ nhân đạo của địa phương, ủng hộ quỹ chất độc màu da cam, ùng hộ người dân khắc phục hậu quả bão lũ gây ra. Tham gia tất cả công việc đột xuất của địa phương (phục vụ thi cử, khám chữa bệnh định kỳ cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, phục vụ các sự kiện thể thao văn hóa.). Tổ chức các đoàn khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em một số xã vùng sâu, vùng xa...