Hết lòng vì sức khỏe dân bản Trường Sơn

Thứ năm - 11/08/2016 10:06

Hết lòng vì sức khỏe dân bản Trường Sơn

Trong một chuyến đi công tác tại xã Trường Sơn – huyện Quảng Ninh, tôi đã có dịp gặp gỡ và giao lưu với những cán bộ y, bác sỹ giàu tinh thần nhiệt huyết với công việc. Dù mỗi người đảm nhận một vị trí, vai trò, hoàn cảnh không giống nhau nhưng họ đều gặp nhau ở một chữ “tâm” với nghề y, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và an toàn cho cộng đồng.

 
Bác sĩ Hồ Puôn đang khám cho bệnh nhân
Sinh ra và lớn lên tại bản Đá Chát - xã Trường Sơn – huyện Quảng Ninh, Hồ Puôn là người bác sỹ dân tộc Vân Kiều đầu tiên tại tỉnh ta. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt cũng như công tác chuyên môn nhưng anh đã có hơn 14 năm học tập và gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao. Là một người con của bản làng, từ nhỏ anh đã chứng kiến cuộc sống của đồng bào quê mình còn nghèo khó, khi ốm đau chỉ biết mời thầy mo về cúng, hơn nữa, tận mắt chứng kiến em trai mình bị đau bụng dữ dội, cha mẹ mời thầy mo về cúng, tốn 2 con bò, 2 con lợn nhưng em trai vẫn không qua khỏi, anh càng quyết tâm theo học nghề y, chữa bệnh, cứu người. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Đại học y Thái Nguyên, anh về nhận công tác tại Phòng y tế huyện Quảng Ninh. Từ tháng 2 năm 2015, anh được điều động về công tác tại Trạm y tế xã Trường Sơn. Đây là một điều kiện rất thuận lợi để anh công hiến hơn nữa công sức nhỏ bé của mình vào công tác khám chữa bệnh cho dân bản xã Trường Sơn và các vùng lân cận. Mặc dù phòng y tế cách nhà Hồ Puôn phải đi 50 km đường rừng mới đến nơi nhưng thứ 7, chủ nhật nào anh cũng về nhà tranh thủ đi khám bệnh cho bà con dân bản. Anh đến từng nhà, hỏi thăm bà con, động viên, khám sức khỏe dân bản khi đau ốm. Để đồng bào dễ nhớ, dễ hiểu, anh đã dùng cả hai thứ tiếng là tiếng Kinh và Vân Kiều để tuyên truyền, vận động bà con trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ. Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân đến khám tại trạm ngày càng đông. Là một bác sĩ trẻ, có năng lực và triển vọng, không chỉ giỏi chuyên môn, Anh còn là một người rất hòa đồng, vui vẻ với đồng nghiệp và niềm nở, tận tình với mọi bệnh nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, anh luôn sống giản dị, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, bệnh nhân và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Hồ Puôn tâm sự: “Hạnh phúc của tôi là được  góp phần chăm sóc sức khỏe cho dân bản quê hương mình”.
Được sự giới thiệu của Bác sĩ Hồ Puôn, chúng tôi gặp được Cộng tác viên Diệp Thị Hoàn. Theo như chị tâm sự, năm 1977, chị Diệp Thị Hoàn tình nguyện trở thành cán bộ y tế thôn bản và đang phụ trách bản Chân Trộng – xã Trường Sơn – huyện Quảng Ninh. Từ ngày ấy, người dân thôn, bản xã Trường Sơn trở nên quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ hiền lành, đảm đang, thường xuyên tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dân số/kế hoạch hóa gia đình.....Tâm sự với chúng tôi, chị Hoàn chia sẻ: “Trước kia, Trạm y tế xã nằm ở Tân Sơn, mỗi lần họp giao ban phải lội qua 2, 3 con suối mới đến. Nước lớn cũng xin đò sang để kịp giờ. Những ngày tháng đầu nhận công tác, phụ cấp chỉ có 50.000 ngàn đồng, con đường về bản khi đó rất khó khăn, phải đi bộ 2 ngày đường mới tới, nhưng vì lòng yêu nghề, yêu bản, muốn cống hiến công sức của mình, giúp cho bà con nhận thức nhiều hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình nên vẫn kiên trì gắn bó với công việc”. Đã gần 40 công tác chị Hoàn luôn trăn trở tìm cách để phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động đến toàn thể dân bản trên địa bàn. Chị không quản ngại khó khăn “ đi từng ngõ, gõ từng nhà” làm công tác tư tưởng trước hết cho các trưởng bản. Trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu, chị đã chủ động lên kế hoạch cụ thể với nội dung tư vấn dịch bệnh từng mùa, phù hợp với từng đối tượng... Nhờ vậy, mỗi buổi tuyên truyền, vận động trở nên hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Qua đó, các nội dung chị đưa vào lồng ghép tuyên truyền đều được người dân tiếp thu nhanh và áp dụng có hiệu quả vào cuộc sống.
Với sự nhiệt tình và yêu nghề, hy vọng rằng công tác bảo vệ và CSSK cho bà con nơi đây sẽ ngày một tốt hơn.
 

Tác giả bài viết: Đoàn Hà

Nguồn tin: Sở y tế Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây