Không nên đổ hết cái xấu lên ngành y. Đừng có được đà mà tấn công nhé!
Thứ năm - 07/05/2015 23:33
Một chia sẻ rất ý nghĩa của một người làm trong nghề y khiến mọi người giật mình thảng thốt. Có phải chăng ta và cả chính những người dân đang đổ mọi cái xấu lên ngành y. Nhìn vào thực trạng hành hung gần đây được các báo đưa tin thì có lẽ chẳng còn gì phải hoài nghi nữa.
Thực trạng xuống cấp về mặt đạo đức của một số thầy thuốc hiện nay là có thật và rất đáng lên án. Chính họ là những người đã làm mất đi thể diện của nhân viên y tế, nhưng điều đó không phải là tất cả. Phần lớn nhân viên ngành y vẫn là những người tâm huyết, chịu cực chịu khổ, cam chịu trước những búa rìu dư luận để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vị bác sĩ chia sẻ: - Chúng tôi cần sự thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ từ phía người bệnh và cộng đồng. Con người không phải là cái máy mà bác sĩ có thể “hư đâu thay đó”, cho nên cần phải có thời gian thăm khám, theo dõi, làm các xét nghiệm thì mới tìm ra bệnh được. Có những người mang mầm bệnh tiềm ẩn, nhìn bên ngoài họ rất bình thường mà chỉ khi có một sự tác động nào đó thì mới gây ra phản ứng. Một bệnh nhân bị dị ứng với một loại thuốc nào đó thì chỉ khi sử dụng mới bùng phát ra, mà bác sĩ không thể nào biết trước được. Chính vì vậy chúng tôi cần có sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ. Chẳng có bác sĩ nào muốn bệnh nhân chết cả, nhưng vì những tai biến xảy ra quá đột ngột làm bác sĩ trở tay không kịp. Khi người thân của mình mất đi ai mà không thương tiếc, không đau lòng nhưng chúng ta cũng đừng quá bức xúc dẫn đến những lời nói, hành động thái quá làm ảnh hưởng công việc của bệnh viện, làm tổn thương đến lòng tự trọng của những thầy thuốc chân chính đang ngày đêm vật lộn với sự sống và cái chết của bệnh nhân, hãy tha thứ nếu có sai sót xảy ra. Thực trạng xuống cấp về mặt đạo đức của một số thầy thuốc hiện nay là có thật và rất đáng lên án. Chính họ là những người đã làm mất đi thể diện của nhân viên y tế, nhưng điều đó không phải là tất cả. Phần lớn nhân viên ngành y vẫn là những người tâm huyết, chịu cực chịu khổ, cam chịu trước những búa rìu dư luận để hoàn thành nhiệm vụ của mình. - Khó tránh khỏi sai sót. Trong bối cảnh quá tải của các bệnh viện hiện nay thì khó mà tránh khỏi những sai sót. Thông thường một bác sĩ ở bệnh viện nước ngoài, hay một số bệnh viện, phòng khám có vốn đầu tư của nước ngoài hiện nay, mỗi ngày chỉ khám 15 đến 20 bệnh nhân. Họ chu đáo trong mọi việc từ hỏi bệnh, thăm khám, tư vấn… Nhưng các bác sĩ Việt Nam hiện nay mỗi ngày phải khám 50 đến 150 bệnh nhân thì làm sao có đủ thời gian chu toàn mọi việc. Nói như vậy không phải là trốn tránh trách nhiệm, mà để mọi người có một cái nhìn khách quan, cảm thông cho những khó khăn chung của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. - Ai bảo vệ thầy thuốc? Tâm lý chung của người bệnh khi đến cơ sở y tế là muốn được khám ngay không phải chờ đợi, muốn được bác sĩ giỏi khám, hết bệnh nhanh, muốn chi phí thấp nhất... Nhưng chúng ta cần phải hiểu vào bệnh viện khác với đi siêu thị, đi chợ. Vào bệnh viện dù nặng hay nhẹ, có đóng tiền hay không thì người bệnh cũng phải làm đủ thủ tục hành chính để làm hồ sơ bệnh án, gặp bác sĩ cũng phải hỏi han, thăm khám, giải thích… vậy thì làm sao làm nhanh được. Tiếc thay nhiều người bệnh khi phải chờ đợi lâu đã tỏ thái độ khó chịu, la lối gây bức xúc cho thầy thuốc. Khi có người thân bị tai biến, tử vong thì người nhà bao vây bệnh viện, đập phá, đánh bác sĩ… Điều bức xúc hiện nay là khi có hiện tượng trên không có ai bảo vệ thầy thuốc. Gọi công an địa phương thì thường là xong xuôi mọi việc mới thấy công an xuất hiện. Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức can ngăn, giải quyết tình huống. Những người quá khích tha hồ đập phá, mắng chưởi, rượt đánh bác sĩ… Không biết đúng sai ra sao nhưng họ cứ gây áp lực và yêu cầu bệnh viện bồi thường. Nhiều bệnh viện vì sợ nhân viên mình bị đánh, ảnh hưởng đến thương hiệu của bệnh viện nên đã phải thỏa thuận bồi thường. Rốt cuộc nhân viên y tế thì hoảng loạn, bệnh viện bị đập phá còn những kẻ quá khích vẫn ung dung không bị xử lý. Điều chúng tôi mong muốn nhất là khi có sự cố xảy ra thì chính quyền sở tại cần có sự can thiệp kịp thời, ngăn chặn, tạm giữ những người quá khích để bệnh viện còn tập trung cứu chữa cho bao nhiêu người khác nữa. - Các bệnh viện cần thực hiện đúng luật. Trong Luật khám chữa bệnh đã ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người khám, chữa bệnh: Điều 14. Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề: ”Tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác“. Điều 34. Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh. "Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến. Được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh”. Vậy thì tại sao các bệnh viện cứ phải thỏa hiệp để bồi thường mỗi khi có tai biến xảy ra, để rồi tạo ra một tiền lệ không tốt, gây ám ảnh và lo sợ cho đội ngũ thầy thuốc trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Theo tôi, khi xảy ra sự cố thì người có trách nhiệm của bệnh viện cần giải thích cho thân nhân bệnh nhân hiểu rằng đây là sự cố bất khả kháng và chuyển thi thể vào nhà xác để cơ quan pháp y làm việc. Mọi việc đúng sai sẽ phải chờ kết luận của hội đồng chuyên môn, cơ quan pháp y, không nên cho người nhà đem thi thể về rồi sau đó khiếu kiện bệnh viện thì bệnh viện không có bằng chứng để bảo vệ mình. Sau khi có kết luận giám định pháp y và kết luận của hội đồng chuyên môn thì bệnh viện mới thông báo kết quả này cho gia đình bệnh nhân biết và có những thỏa thuận hỗ trợ giữa hai bên. Trường hợp gia đình không đồng ý thì biên bản giám định của pháp y, kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở pháp lý để tòa án giải quyết.